Tờ South China Moring Post(SCMP) hôm nay 29.12 đưa tin những giám đốc điều hành hàng đầu của công ty nhà nước Trung Quốc Citic Group,ắcKinhxúctiếndựánmởthêmtuyếnnănglượngmớichoTrungQuốhlv gong oh kyun các nhà ngoại giao Trung Quốc và quan chức chính quyền quân sự Myanmar đã tham dự lễ ký kết phụ lục cho thỏa thuận nhượng quyền dự án tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar trong ngày 26.12. Theo thỏa thuận được ký vào năm 2018, Citic Group sẽ duy trì 70% cổ phần trong dự án cảng Kyaukphyu.
Tại lễ ký kết mới, Chủ tịch Citic Group Hề Quốc Hoa nhấn mạnh cảng nước sâu Kyaukphyu là "một phần quan trọng" trong chiến lược Vành đai và Con đường của Bắc Kinh cũng như Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar và có "ý nghĩa to lớn đối với sự hợp tác thực tế".
"Dấu hiệu mới nhất"
Thông tin chi tiết về phụ lục cho thỏa thuận dự án cảng nước sâu Kyaukphyu không được công bố, nhưng đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy dự án cơ sở hạ tầng quan trọng do Trung Quốc hậu thuẫn sẽ trở lại đúng hướng, theo SCMP. Dự án này đạt được rất ít tiến triển kể từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền sau cuộc chính biến ngày 1.2.2021.
Dự án cảng Kyaukphyu trị giá 1,3 tỉ USD tọa lạc trên đảo Maday ngoài khơi làng chài Kyaukphyu ở vịnh Bengal. Đây là một phần của Đặc khu kinh tế Kyaukphyu, một kế hoạch nhằm thu hút những ngành công nghiệp dệt may và lọc dầu, vốn là trọng tâm trong mối quan hệ của Trung Quốc với Myanmar.
Đây cũng là một phần quan trọng của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar dài 1.700 km, một mạng lưới đường sắt, đường bộ, đường ống dẫn dầu và khí đốt tự nhiên chạy từ thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến Ấn Độ Dương.
Cảng Kyaukphyu dự kiến sẽ mang lại cho Bắc Kinh quyền tiếp cận chiến lược tới Ấn Độ Dương, đồng thời cung cấp cho Trung Quốc một tuyến đường năng lượng thay thế đến eo biển Malacca, tuyến đường thủy hẹp giữa Ấn Độ Dương và Biển Đông đang vận chuyển khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Trung Đông.
Citic Group, một trong những công ty tài chính lớn nhất và lâu đời nhất Trung Quốc, được chọn làm chủ đầu tư tại Đặc khu kinh tế Kyaukphyu và các dự án cảng biển nước sâu vào năm 2015.
Dự án đạt được rất ít tiến triển cho đến khi Citic Group và chính phủ Myanmar lúc bấy giờ, do đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đứng đầu, đạt được thỏa thuận khung vào năm 2018 để thu hẹp quy mô đầu tư dự án cảng từ 7,3 tỉ USD xuống còn 1,3 tỉ USD.
Một ủy ban quản lý chung cũng được thành lập giữa Citic Group và chính phủ Myanmar trên cơ sở nắm giữ tỷ lệ cổ phần 70:30, với hợp đồng cho công ty Trung Quốc thuê 50 năm.
Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý đã cản trở tiến độ của dự án, buộc phía Trung Quốc công khai kêu gọi chính phủ Myanmar thúc đẩy các kế hoạch cơ sở hạ tầng thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar, theo SCMP.
Nỗ lực của chính quyền quân sự Myanmar
Việc ký kết thỏa thuận bổ sung cho dự án cảng nước sâu Kyaukphyu diễn ra trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội và liên minh các nhóm vũ trang sắc tộc nổ ra trên khắp Myanmar trong hơn 2 tháng qua.
Các cuộc đụng độ tiếp diễn đã buộc Đại sứ quán Trung Quốc ngày 28.12 ra cảnh báo an ninh mới, kêu gọi công dân "sơ tán càng sớm càng tốt" khỏi Laukkai, một thị trấn lớn ở Khu tự trị Kokang gần biên giới phía bắc Myanmar với Trung Quốc.
Trước đó, trang tin The Irrawaddyngày 27.12 dẫn những nguồn tin thân cận với các nhóm nổi dậy cho hay chính quyền quân sự Myanmar và một liên minh gồm ba nhóm vũ trang sắc tộc đã không đạt được thỏa thuận hòa bình tại vòng đàm phán hòa bình thứ hai do Trung Quốc làm trung gian vào tuần trước ở Côn Minh.
Vào tháng 2.2023, Citic Group cho hay họ đã hoàn thành cuộc khảo sát thực địa kéo dài 10 tháng cho dự án cảng Kyaukphyu. Một báo cáo đã được công bố vào tháng 9, mở đường cho việc xây dựng, với việc ủy ban Đặc khu kinh tế Kyaukphyu bắt đầu mời thầu vào tháng trước.
Đến đầu tháng này, Bộ trưởng thương mại Myanmar Aung Naing Oo tuyên bố kết thúc đàm phán với Citic Group về thỏa thuận cấp phép kinh doanh cảng biển nước sâu được chính phủ tiền nhiệm ký kết, theo SCMP.