Khoảng 10 năm trở lại đây,ìnhThuậnnơitôisốmobiblog cứ vào chiều cuối tuần, từng dòng xe khách, nhiều nhất là xe mang biển số TP.HCM, nườm nượp nối đuôi nhau chạy vào Phan Thiết rồi hướng ra Mũi Né. Bao năm nay, sống ở thành phố biển Phan Thiết, tôi không lạ gì với cảnh tượng ấy, song tôi nhận thấy rằng, từ khi tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo thông xe thì du khách đến với Bình Thuận ngày một nhiều hơn.
Chiều nay cũng giống như bao chiều cuối tuần khác, từng dòng xe khách nối đuôi nhau chạy vào Phan Thiết. Tôi đang chờ cho dòng xe đi qua để sang đường thì điện thoại trong túi đổ chuông. Nhìn vào màn hình, hiện lên tên của đứa bạn, tôi bấm nghe: "Ông đang ở Bình Thuận đúng không? Mấy đứa bọn tui đang tụ tập cà phê bàn tính sắp tới đi du lịch Bình Thuận, nhớ tới ông nên gọi nè. Bọn tui xem trên tivi và báo chí thấy Bình Thuận có nhiều điểm tham quan đẹp lắm, nhất là Mũi Né. Hôm nào xuống dưới đó ông dẫn bọn tui đi một số điểm với nha". "Nhất định rồi. Ở đây không những có nhiều điểm tham quan đẹp mà ẩm thực cũng tuyệt vời lắm, nhất là mấy món hải sản, ngon mà giá cả cũng vừa phải…", tôi trả lời và thông tin thêm cho bạn.
Bình Thuận là vùng đất tụ nghĩa, hơn 300 năm hình thành và phát triển. Toàn tỉnh có 35 đồng bào dân tộc cùng sinh sống, là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, có khung cảnh quyến rũ của một Mũi Né "biển xanh - cát trắng - nắng vàng" cùng những nét độc đáo, hoang sơ thuần khiết của bãi biển Cổ Thạch, Cù Lao Câu, đảo Phú Quý; có di tích quần thể tháp Chăm Pô Sha Inư cổ kính, linh thiêng và Trường Dục Thanh - nơi Bác Hồ kính yêu đã dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước; có các lễ hội đặc sắc, đậm nét văn hóa truyền thống đã được các thế hệ người dân gìn giữ, lưu truyền đến tận ngày nay...
Trên đường về nhà, tôi thầm nhủ, vậy là mình sẽ có thêm cơ hội giới thiệu với bạn bè về những nét đặc trưng của vùng đất mình đang sống, những cái hay, cái đẹp truyền thống được gìn giữ bao đời nay, và cả cái tính cách hiền hòa thân thiện, tấm lòng thơm thảo, mến khách của con người nơi đây. Rồi mình sẽ đưa các bạn tới những nơi có thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở Bình Thuận, nơi mà các bạn đã xem qua tivi, báo chí và những nơi có ẩm thực độc đáo chỉ ở Bình Thuận mới có. Nghĩ đến cuộc hội ngộ sắp tới cùng nhóm bạn trên đất Bình Thuận, cảm giác trong tôi cứ lâng lâng xen lẫn niềm vui, hãnh diện.
Cơ duyên đưa tôi đến Bình Thuận là vào năm 2005. Sau khi tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, tôi theo đứa bạn cùng lớp về Bình Thuận lập nghiệp. Ngày ấy Bình Thuận chưa mấy phát triển, du lịch cũng vậy, thành phố Phan Thiết cũng chưa phát triển, nhỏ và hẹp. Bình Thuận nắng nóng và khô khốc, khác hẳn với Đà Lạt mát mẻ và thơ mộng. Mỗi lần ra đường tôi lại sợ cái nắng chói chang làm bỏng rát làn da, sợ cái gió cuốn theo từng lớp đất, lớp cát phả vào người, vào mặt. Sợ làn da cháy nắng, sạm đen giống như người nơi đây.
Tôi mất ngủ nhiều đêm để suy nghĩ về khả năng ở và đi. Nhưng càng gắn bó với nơi này, tôi lại càng yêu mến. Tôi nhận ra tình yêu tôi dành cho Bình Thuận thật lớn. Điều này được kiểm chứng qua mỗi lần rời xa Bình Thuận, tôi lại thấy nhớ vô cùng. Nhớ từng địa danh, nhớ từng hoạt động lễ hội, nhớ con đường thân quen, nhớ cả những món ăn và nhiều cái nhớ khác nữa. Thậm chí chỉ cần nhìn thấy xe biển số 86, tôi lại thốt lên "Bình Thuận mình kìa", hay gặp ai đó nói giọng Bình Thuận tôi lại đến bắt chuyện, hỏi thăm. Tôi đã phải lòng mình với Bình Thuận rồi.
Bao lần đi xa, mệt mỏi với chặng đường dài trên xe, nhưng khi về tới Bình Thuận giống như liều thuốc thần kỳ, mọi mệt mỏi trong tôi đều tan biến hết. Và bây giờ thì tôi không muốn rời xa Bình Thuận nữa, tôi muốn gắn bó trọn đời mình với nơi này.
Bình Thuận không còn "khó, khô, khổ" như thời tôi mới tới nữa, thay vào đó là một cuộc sống sôi động, tươi màu no ấm. Có được điều này là nhờ sự sáng tạo và đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân. Bình Thuận đã biến cái nắng, cái gió, cát trắng…, cái mà người ta cho là nguyên nhân dẫn đến chậm phát triển, thành lợi thế để phát triển kinh tế. Tôi nghĩ, với đà tăng trưởng không ngừng như hiện tại thì chẳng bao lâu nữa Bình Thuận sẽ trở thành một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu có tốc độ phát triển kinh tế cao của nước ta. Bởi Bình Thuận hội tụ nhiều yếu tố: có rừng, có biển, có đồng bằng, có vị trí địa lý khá thuận lợi, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam bộ, các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên.
Cuộc sống hiện tại đã khiến tôi quên đi một thời gian khó. Vậy mà hôm nay cuộc điện thoại của bạn đã chạm vào nỗi nhớ của tôi. Thoắt cái nhìn lại đã gần hai chục năm gắn bó với Bình Thuận rồi. Vùng đất đã chở che tôi, bao bọc tôi từ thời điểm khó khăn nhất. Và tôi tin chắc một điều, những ai đến Bình Thuận đều cảm mến tình đất, tình người nơi đây. Vùng đất tôi luôn tự hào mỗi khi nhắc đến.
Cuộc thi viết Hào khí miền Đôngdo Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.